Ngày 03-08-2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 12-HD/BTGTU về hướng dẫn công tác tuyên truyền kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập lại tỉnh Kon Tum (12/8/1991- 12/8/2021)
, Ban Biên tập xin đăng toàn văn Hướng dẫn để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích Nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận xã hội để triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân khát vọng xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Góp phần thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại; đồng thời đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội có những luận điệu xuyên tạc chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
2. Yêu cầuCông tác tuyên truyền cần tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả, nhất là trong tình hình đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Lồng ghép tuyên truyền kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập lại tỉnh gắn với tuyên truyền kết quả và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương, đơn vị; tạo không khí thi đua, phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN- Tuyên truyền những thành tựu nổi bật của tỉnh sau 30 năm thành lập lại, nhất là trong 5 năm qua (giai đoạn 2015-2020): về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
- Tuyên truyền cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách, chủ động, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với quyết tâm đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
- Tuyên truyền giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, du lịch, tiềm năng thế mạnh của địa phương để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.
III. HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀNDo tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nên tỉnh không tổ chức Lễ kỷ niệm theo như Kế hoạch số 4137/KH-UBND, ngày 03-11-2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Vì vậy, các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập lại tỉnh Kon Tum tập trung chủ yếu trên các phương tiện thông tin đại chúng gồm: Tuyên truyền trên báo chí, Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của tỉnh và của các địa phương, đơn vị; đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thành phố; mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; tuyên truyền qua xe lưu động, cổ động trực quan trên các panô, băng rôn, bảng khẩu hiệu.
Treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, cờ phướn và câu khẩu hiệu tại trụ sở làm việc các cơ quan, đơn vị; treo cờ trên các trục đường chính, khu vực trung tâm; treo cờ Tổ quốc trước các hộ gia đình.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN1. Báo Kon Tum, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh có kế hoạch tuyên truyền đậm nét trước, trong và sau dịp ngày kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập lại tỉnh. Tuyên truyền cao điểm từ ngày từ ngày 09/8 đến hết ngày 13/8/2021.
- Đài PT-TH tỉnh chuẩn bị và biên tập kỹ lưỡng phóng sự đặc biệt
“Kon Tum 30 năm xây dựng và phát triển” để phát sóng trong ngày 11 và ngày 12/8/2021.
- Báo Kon Tum tập trung tuyên truyền trên các số báo ra ngày thứ Hai (09/8) và ngày thứ Tư (11/8).
2. Ban Tuyên giáo, tuyên huấn các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy: Tham mưu cấp ủy chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng phổ biến cho cán bộ, đảng viên những thành tựu nổi bật sau 30 năm thành lập lại tỉnh, một số định hướng lớn về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
[1]. Tích cực chia sẻ các thông tin tuyên truyền kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập lại tỉnh trên các trang, nhóm fanpage của địa phương, đơn vị.
* Ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy hướng dẫn các cơ quan, đơn vị của địa phương triển khai công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Tập trung tuyên truyền trên đài truyền thanh, truyền hình; trang thông tin điện tử; hệ thống loa truyền thanh cơ sở; tuyên truyền cổ động trực quan; treo cờ và câu khẩu hiệu trước cơ quan, đơn vị; treo cờ Tổ quốc trước các hộ gia đình bảo đảm thời gian quy định, tạo không khí phấn khởi trong Nhân dân.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh: Chỉ đạo các cấp phát động trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập lại tỉnh Kon Tum, kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9).
4. Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cơ quan chủ quản các trang thông tin điện tử của tỉnh đặt khẩu hình, khẩu hiệu tuyên truyền về ngày kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập lại tỉnh Kon Tum.
V. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN- Nhiệt liệt chào mừng 30 năm Ngày thành lập lại tỉnh Kon Tum (12/8/1991- 12/8/2021) !- Cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum quyết tâm xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững !- Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 !- Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm !- Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm !- Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta !* Thời gian treo cờ, khẩu hiệu tuyên truyền: Bắt đầu từ ngày
06/8/2021 đến hết ngày
13/8/2021.
(Có Đề cương tuyên truyền kèm theo). ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập lại tỉnh Kon Tum (12/8/1991- 12/8/2021)
(theo Hướng dẫn số 12-HD/BTGTU, ngày 02/8/2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
-----
I. KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP LẠI TỈNH KON TUMTỉnh Kon Tum thành lập ngày 09-02-1913. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai đã được sáp nhập, chia tách để phục vụ cho nhiệm vụ của cách mạng. Sau khi đất nước giành được độc lập, thống nhất Tổ quốc, ngày 12-8-1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết giải thể tỉnh Gia Lai-Kon Tum và thành lập lại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Việc thành lập lại tỉnh Kon Tum xuất phát từ yêu cầu phát triển chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới, xu thế và điều kiện phát triển của khu vực Tây Nguyên và tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Khi mới thành lập lại tỉnh, đời sống Nhân dân trên địa bàn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn
[2], nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết một lòng đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền thống cách mạng, phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, quyết tâm củng cố, xây dựng tỉnh phát triển theo bước đi chung của cả nước.
Sau 30 năm thành lập lại, tỉnh Kon Kon Tum đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, tạo được những dấu ấn khá rõ nét về phát triển kinh tế- xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đời sống của Nhân dân ngày càng phát triển, góp phần vào thành tựu chung của đất nước trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
II. MỘT SỐ THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA TỈNH KON TUM SAU 30 NĂM
1. Về kinh tế Đến cuối năm 2020 tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 25.851 tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,13%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 khoảng 31,5 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đến năm 2020 đạt 3.505 tỷ đồng
. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ được chú trọng triển khai, một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Chăn nuôi có bước phát triển, chuyển dịch mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, liên kết và ứng dụng công nghệ cao. Nuôi trồng, khai thác thủy sản tăng trưởng khá. Lĩnh vực lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng đều qua các năm; kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 150 triệu USD. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, giải trí... có bước phát triển. Hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện, trong đó đã cho chủ trương đầu tư một số dự án phát triển du lịch sinh thái, nhiều tour, tuyến, điểm du lịch được đưa vào khai thác, lượng khách du lịch đến tỉnh bình quân tăng 23%/năm. Các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực tiếp tục được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và được đầu tư phát triển. Công tác quy hoạch từng bước được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác tốt, đúng định hướng tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng địa phương.
Các dự án trọng điểm của tỉnh được đẩy mạnh thực hiện, nhất là hạ tầng giao thông; các tuyến giao thông nội tỉnh được đầu tư, nâng cấp, nhiều công trình, cụm công trình thủy lợi được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, phục vụ tốt nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân. Hạ tầng lưới điện, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch được đầu tư hoàn thiện. Năm 2020, có 99,3% hộ gia đình sử dụng điện; 100% thôn có điện; trên 89% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Kết cấu hạ tầng đô thị được chỉnh trang, đầu tư nâng cấp, mở rộng, gắn với xây dựng các khu đô thị mới. Các khu, cụm công nghiệp được tập trung đầu tư đưa vào hoạt động. Đến nay có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã nông thôn mới ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo, nâng cao cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển nhanh và đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh. Kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển, đời sống của các thành viên được cải thiện. Hội nhập kinh tế quốc tế có chuyển biến tích cực, đã tăng cường mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng ASEAN, một số nước Châu Á và Châu Âu nhằm thu hút đầu tư các nguồn lực nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh, tạo cơ hội thu hút đầu tư, viện trợ.
2. Về văn hóa- xã hội Nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn và phát huy; một số nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được khôi phục, phát triển
. Phong trào "
Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" và việc xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa đạt kết quả, có 587/1.045 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 56%; tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đạt 74%. Chất lượng giáo dục-đào tạo chuyển biến tích cực, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hệ thống trường, lớp học tiếp tục được củng cố, sắp xếp, tạo thuận lợi cho người học, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tỷ lệ lao động được đào tạo đến năm 2020 là 52%. Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân được nâng lên; hạ tầng cơ sở và trang thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp; mạng lưới y tế từng bước được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu quả; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được nâng lên; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm đạt 90,6%. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, các chương trình, dự án đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng; tình hình kinh tế-xã hội các xã đặt biệt khó khăn có nhiều chuyển biến; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,05%/năm.
Thông tin-truyền thông phát triển mạnh mẽ; công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả. Cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ phát thanh-truyền hình từng bước được nâng cao, phong phú về nội dung, đa dạng loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin và giải trí của Nhân dân.
3. Về quốc phòng, an ninhNền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân vững mạnh toàn diện, các tiềm lực trong khu vực phòng thủ được củng cố, tăng cường. Chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang tỉnh được nâng lên. An ninh biên giới được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế.
4. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị Đã kịp thời tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước; công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch được tăng cường, mang lại hiệu quả rõ rệt; tinh thần cảnh giác cách mạng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch được nâng lên. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; đội ngũ cán bộ cấp xã từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng tiếp tục được thực hiện thường xuyên, đúng quy trình, quy định góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực với phương châm hướng mạnh về cơ sở bằng nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp, đạt nhiều kết quả.
Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp được nâng lên, nhất là trong việc quyết định và giám sát việc triển khai những vấn đề quan trọng của địa phương. Năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của UBND và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được nâng lên, nhất là trong việc điều hành ngân sách, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội. Công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực; cơ chế một cửa - một cửa liên thông cơ bản hoạt động hiệu quả; đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh với 1.357 thủ tục được giải quyết tại Trung tâm, đạt tỷ lệ 95% trên tổng số thủ tục hành chính cấp tỉnh; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa cấp huyện, cấp xã tiếp tục được hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triển khai xây dựng, thực hiện Hệ thống thông tin điện tử và cổng dịch vụ công 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động được Nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng và ngày càng phát huy hiệu quả.
Với những thành quả đã đạt được sau 30 năm thành lập lại tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đoàn kết một lòng, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách, chủ động, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Quyết tâm “
Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; năng động, sáng tạo; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững", góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
------
[1] Chương trình số 17-CTr/TU, ngày 14- 7- 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum.
[2] Bình quân lương thực đầu người chỉ đạt 295 kg, thu nhập bình quân đầu người 88,6 USD; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ bé, sản phẩm chưa nhiều, chất lượng thấp; thương mại-dịch vụ yếu kém; giao thông trong thế ngõ cụt, nhiều xã không có đường giao thông đến trung tâm; thu ngân sách tỉnh chỉ có 7,8 tỷ đồng, đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu chi lúc bấy giờ; đời sống Nhân dân còn khó khăn về nhiều mặt, tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Hệ thống giáo dục còn sơ khai, thiếu thốn, với 110 trường các cấp, 108 làng trắng về giáo dục, tỷ lệ người mù chữ lên tới 17,7%; hệ thống y tế vừa thiếu, vừa yếu, chỉ có 855 giường bệnh với 49 bác sỹ; cơ sở vật chất văn hóa, thông tin lạc hậu, nhiều xã vùng sâu, vùng xa còn trắng về thông tin; hoạt động của hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ cơ sở thiếu và yếu, trên 50% thôn, làng trắng tổ chức đảng.