Ngày 05-9-2022, Ban Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “Kon Tum - 110 năm xây dựng và phát triển” đã ban hành Quy chế số 04-QC/BTC nhằm thông báo và hướng dẫn triển khai Cuộc thi trên địa bàn toàn tỉnh, theo đó:
Đối tượng tham gia Cuộc thi là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên, sinh viên, học sinh trung học cơ sở
[1] và Nhân dân hiện đang sinh sống, công tác, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh Kon Tum
(trừ thành phần tham gia Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và cán bộ, công chức của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cán bộ kỹ thuật thiết kế phần mềm Cuộc thi). Cuộc thi được thực hiện bằng 02 hình thức: thi viết và thi trắc nghiệm. Mỗi người dự thi có thể tham gia cả hai hình thức thi
(gồm 01 bài thi viết và 01 lượt thi trắc nghiệm/người/tháng).
Đối với bài thi viết, người dự thi trả lời
03 câu hỏi do Ban Tổ chức Cuộc thi yêu cầu, cụ thể:
Câu 1: Nêu quá trình thành lập tỉnh Kon Tum và những biến đổi về địa giới hành chính cấp huyện từ khi thành lập tỉnh
(năm 1913) đến nay? Cảm nhận của bản thân về vùng đất và con người Kon Tum?
Câu 2: Một trong những truyền thống quý báu của Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà là tinh thần đoàn kết. Hãy chứng minh nhận định trên?
Câu 3: Anh/Chị hãy đề xuất những giải pháp để khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Yêu cầu bài thi được trình bày bằng hình thức đánh máy hoặc viết tay. Đối với bài dự thi đánh máy, độ dài không quá 20 trang, khổ giấy A4 (trừ lề trái, phải, trên dưới lần lượt là 3,0 cm; 1,5 cm; 2,0 cm; 2,0 cm); sử dụng font chữ Time New Roman, cỡ chữ 14, khoảng cách dòng 18pt (Exactly); khoảng cách các đoạn (Spacing): 6pt. Đối với bài thi viết tay, độ dài không quá 8.000 chữ. Bài dự thi có thể kèm theo hình ảnh minh họa. Bài dự thi phải nộp bản gốc, có ghi rõ họ tên; tuổi; dân tộc; giới tính; nghề nghiệp; đơn vị công tác, học tập; nơi thường trú; số điện thoại (nếu có); có chữ ký của người dự thi.
Ban Tổ chức sẽ xét chọn 01 giải Nhất, trị giá 6.000.000 đồng/giải; 02 giải Nhì, trị giá 5.000.000 đồng/giải; 03 giải Ba, trị giá 4.000.000 đồng/giải; 03 giải Khuyến khích, trị giá 2.000.000 đồng/giải (đối với tập thể) và 01 giải Nhất, trị giá 4.000.000 đồng/giải; 03 giải Nhì, trị giá 2.500.000 đồng/giải; 06 giải Ba, trị giá 2.000.000 đồng/giải; 20 giải Khuyến khích, trị giá 1.000.000 đồng/giải; 10 giải khác, trị giá 1.000.000 đồng/giải (đối với cá nhân). Hạn cuối nộp bài thi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là ngày
20-11-2022 (Đối với bài dự thi gửi qua đường bưu điện thì tính theo dấu của Bưu Chính).
Đối với thi trắc nghiệm, thực hiện trên Trang thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (
www.tuyengiaokontum.org.vn), được chia làm 03 kỳ thi, mỗi kỳ 01 tháng. Mỗi kỳ thi/tháng gồm
30 câu hỏi trắc nghiệm và
01 câu hỏi phụ dự đoán số bài thi trả lời đúng tất cả câu hỏi trong tháng. Thời gian làm bài dự thi trắc nghiệm không quá
25 phút. Hết thời gian làm bài dự thi mà thí sinh không ấn nút "NỘP BÀI DỰ THI" thì hệ thống sẽ không ghi nhận bài dự thi. Trường hợp thí sinh thi nhiều lần trong 1 kỳ/tháng, hệ thống chỉ cập nhật bài thi lần đầu tiên. Trường hợp 01 thí sinh tham gia thi nhiều lần bằng cách thay đổi thông tin cá nhân, Ban Giám khảo loại khỏi danh sách xếp giải thưởng Cuộc thi. Thời gian bắt đầu từ
06 giờ 00, ngày 13-9-2022 đến 21 giờ 00, ngày 09-12-2022. Mỗi kỳ, Ban Tổ chức sẽ xét chọn 01 giải Nhất, trị giá 2.400.000 đồng/giải; 01 giải Nhì, trị giá 1.200.000 đồng/giải và 01 giải Ba, trị giá 1.000.000 đồng/giải (không xét giải tập thể, chỉ xét giải cá nhân).
[1] Khuyến khích các em học sinh lớp 5 của bậc Tiểu học tham gia.