Sáng ngày 18-9-2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo “Nhận diện và ngăn chặn xung đột xã hội hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
Dự Hội thảo có các đồng chí: Lê Thị Kim Đơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Tiến sĩ Đặng Luận, TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ban Tuyên giáo các huyện, thành phố.
Ảnh: Đ/c Lê Thị Kim Đơn phát biểu tại Hội thảo. Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Thị Kim Đơn đánh giá kinh hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế duy trì tăng trưởng tương đối cao với cơ cấu hợp lý, các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực được xác định và phát triển; ba vùng kinh tế động lực được đầu tư, hình thành; các nguồn lực được chú trọng khai thác và sử dụng hiệu quả. Y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học ngày càng phát triển. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị-xã hội ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Mặc dù vậy, so với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, Kon Tum vẫn là một tỉnh nghèo; tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài còn xảy ra... làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn.
Tại Hội thảo lần này, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ, nhận diện và ngăn chặn xung đột xã hội hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu có những tham luận quan trọng như: Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội góp phần phòng ngừa, ngăn chặn xung đột xã hội, điểm nóng chính trị-xã hội; thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc nhằm phòng ngừa, ngăn chặn xung đột xã hội, điểm nóng xã hội trên địa bàn tỉnh; hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường nhằm phòng ngừa, ngăn chặn xung đột xã hội…
Hầu hết tham luận và thảo luận tại Hội thảo đã nêu được nguyên nhân dẫn đề các xung đột xã hội là do ảnh hưởng của vấn đề dân tộc, tôn giáo, công tác quản lý tài nguyên, cải cách hành chính, việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn... Đồng thời, đã đề ra các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn xung đột xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Thị Kim Đơn nhấn mạnh mục đích của Hội thảo là nhận diện và ngăn chặn xung đột xã hội hiện nay; tập trung vào vấn đề nổi cộm có khả năng xảy ra xung đột như đất đai, tài nguyên, môi trường, quy chế dân chủ, giám sát, kiểm tra; đề ra được các giải pháp, kiến nghị có các chủ trương, nghị quyết phù hợp với tình hình hiện nay... Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo để hoàn chỉnh báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.