Trong tuần làm việc thứ ba (từ ngày 04-11-2019 đến ngày 08-11-2019) của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các ĐBQH tỉnh Kon Tum đã tham gia 10 buổi làm việc tại Hội trường.
Ảnh: Đại biểu Quốc hội tỉnh Y Nhàn phát biểu tại Hội trường
Trong tuần, Quốc hội làm việc tại hội trường để thảo luận và cho ý kiến đối với các báo cáo của các cơ quan Tư pháp, 01 dự án luật, và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Bộ trưởng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tại các phiên họp các vị ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh có 04 lượt phát biểu với 07 ý kiến tham gia:
* Đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019: (1) Thời gian qua Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương đã thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Các biện pháp phòng ngừa xã hội được triển khai đồng bộ đã tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Các lực lượng tham gia công tác này mà lực lượng Công an làm nòng cốt đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đã có sự đổ máu hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cử tri tin tưởng và đánh giá cao kết quả, những nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các lực lượng tham gia công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. (2) Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, chưa mang lại hiệu quả thực chất cụ thể nhiều loại tội phạm được kéo giảm, cụ thể như: giết người giảm 9,39%, trộm cắp tài sản giảm 4,3%, cướp tài sản giảm 12,98%, gây rối trật tự công cộng giảm 45,32%, đánh bạc, tổ chức đánh bạc giảm 44,98%... nhưng không giảm về tính chất, mức độ phạm tội; một số loại tội phạm tăng, như: hiếp dâm tăng 7,99%, dâm ô trẻ em tăng 46,52%, giao cấu với trẻ em xảy tăng 18,07%...
Theo Báo cáo của Chính phủ thì nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do: Tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; Hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, xảo quyệt, với nhiều phương thức mới, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với sự phát hiện của các cơ quan chức năng; Hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đầy đủ, còn nhiều khó khăn, vướng mắc; các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế. Tuy nhiên, cần lưu ý đánh giá sâu thêm những hành vi tội phạm và vi phạm pháp luật bắt nguồn từ nguyên nhân xã hội để ngày càng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, vì thực tế các vụ vi phạm từ nguyên nhân này đang có xu hướng gia tăng như: nhiều nhóm thanh thiếu niên, người ruột thịt, người thân thích, người quen bột phát đánh nhau gây thương tích hoặc chết người vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt nhất thời như mâu thuẫn cá nhân, va chạm giao thông, tranh chấp đất đai; Việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc…vẫn diễn ra ở nhiều nơi nhưng chưa được kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả. Nổi lên là hiện tượng một số đối tượng có tiền án, tiền sự đã sử dụng mạng xã hội để đăng nhiều video clip cổ súy cho lối sống lệch chuẩn, bạo lực, tác động xấu đến xã hội, nhất là giới trẻ.
* Đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn: Các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã chất vấn các nội dung như sau:
- Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn: (1) Giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng nông sản của đồng bào DTTS Tây nguyên sản xuất ra thiếu thị trường tiêu thụ, bị ép giá; sản suất của đồng bào DTTS chưa gắn kết được vào chuỗi giá trị nên giá trị gia tăng thấp. (2) Giải pháp giải quyết kiến nghị của cử tri về trợ giá đối với sản phẩm của một số cây công nghiệp gồm cà phê, cao su, tiêu là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao đang được bà con đồng bào DTTS ở Tây nguyên trồng nhưng giá cả bấp bênh.
- Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ: (1) Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng về sự cần thiết phảo ban hành các chính sách đối với đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố, vì Hiện nay ngoài phụ cấp hàng tháng không được hưởng chính sách nào của của Nhà nước. (2) Thời gian qua việc thi tuyển công chức, viên chức đối với các đối tượng là người DTTS khó khăn, tỷ lệ đỗ thấp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục thực trạng trên.
- Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông: Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ thương mại hóa, xa rời tôn chỉ mục tiêu hoạt động báo chí trong môi trường truyền thông số.
- Chất vấn Thủ tướng Chính phủ: (1) Chính phủ đã và sẽ triển khai mô hình tăng trưởng bao trùm để đảm bảo phát triển hài hòa một cách mạnh mẽ, thực chất. (2) Thủ tướng Chính phủ có giải pháp đột phá gì để cải thiện những tồn tại trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng như: quá trình diễn ra chậm; sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, sản phẩm còn yếu so với các nước; có ít doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh Quốc tế.
(Tổng hợp)