Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 8 (từ ngày 11-11-2019 đến ngày 15-11-2019), Quốc hội đã biểu quyết thông qua 03 Nghị quyết; thảo luận và cho ý kiến đối với 09 dự án Luật, 01 Nghị quyết; báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.
Tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu chủ yếu năm 2020, cụ thể: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại Tổ.
Tại các phiên họp, Đoàn ĐBQH tỉnh có 03 lượt phát biểu với 07 ý kiến tham gia, cụ thể như sau:
* Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018: Thực hiện chủ trương của Đảng về công tác PCCC gắn với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, trong giai đoạn 2014-2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25-6-2015; Quốc hội đã ban hành Luật PCCC; Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW, 08 nghị định; các bộ, ngành trung ương ban hành 20 thông tư, thông tư liên tịch, quyết định, quy chế phối hợp; các địa phương đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC; các cấp, các ngành, các địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác PCCC đạt được nhiều kết quả, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của công tác PCCC. Tuy nhiên, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng dần theo hàng năm gây thiệt hạ lớn về người và tài sản (làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng). Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức, nhận thức, chấp hành pháp luật về PCCC của người dân chưa đầy đủ, sâu sắc. Do đó, (1) Nâng cao ý thức về PCCC cho người dân là vấn đề quan trọng, một yếu tố có tính quyết định đối với hiệu quả của công tác PCCC; để nâng cao ý thức về PCCC thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC có ý nghĩa quyết định, trong đó hình thức tuyên truyền bằng miệng thông qua đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, phương tiện nghe nhìn rất hiệu quả nhất là đối với vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương quan tâm xây dựng và có chính sách phù hợp để đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên hoạt động. (2) Công tác xây dựng lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở nhằm phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng này trong PCCC tại địa bàn dân cư theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ), có vai trò nòng cốt trong công tác phòng ngừa, phát hiện và dập tắt hoặc xử lý kịp thời nhiều vụ cháy, sự cố ngay từ ban đầu, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn. Nhưng thời gian qua công tác xây dựng các lực lượng này chưa đảm bảo yêu cầu của pháp luật về PCCC về số lượng và hạn chế phương tiện, kỹ năng PCCC (hiện nay cả nước mới có: 42.462 đội dân phòng, với 461.833 thành viên, trên tổng số 184.368 đội phải thành lập theo quy định, đạt tỷ lệ 23%; 172.885 đội PCCC cơ sở, với 1.536.970 thành viên, trên tổng số 262.126 đội phải thành lập theo quy định, đạt 66%). Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm quy định này của pháp luật PCCC và bổ sung nội dung này vào Điều 2 của Nghị quyết giám sát chuyên đề PCCC của Quốc hội. (3) Các vụ cháy nổ mà nguyên nhân từ sự cố hệ thống điện, thiết bị điện chiếm tỷ lệ lớn (57,27%); vì vậy, đề nghị báo cáo giám sát phân tích làm rõ nguyên nhân của sự cố này xuất phát từ lỗi của công tác lắp đặt, lỗi của nhà sản xuất thiết bị và các nguyên nhân khác.
* Đối với dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư: Phạm vi điều chỉnh quy định tại dự thảo Luật đã khẳng định mục tiêu của hoạt động đầu tư PPP nhằm thu hút khu vực tư nhân đầu tư phát triển công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 4 quy định: Đầu tư theo phương thức PPP là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa khu vực công và khu vực tư nhân; như vậy, là bó hẹp thời gian hợp tác. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi quy định này theo hướng mở rộng hợp tác cả trong dài hạn và ngắn hạn; đề nghị xác định rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 7 (cơ quan khác ở Trung ương) là cơ quan nào, để thuận lợi trong quá trình thực hiện hoặc giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định này.
* Đối với dự án Luật Lực lượng dự bị động viên: Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc cách tiếp cận là “Đền bù thiệt hại” hay “Bồi thường thiệt hại” cho Chủ phương tiện kỹ thuật dự bị do điều động, huy động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra để đảm bảo quyền về tài sản đối với chủ phương tiện kỹ thuật dự bị (quy định tại Khoản 1, Điều 5).
(Tổng hợp)