04:18 ICT Thứ bảy, 12/10/2024
TIẾP TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT CÁC DÂN TỘC; KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ MỌI NGUỒN LỰC; XÂY DỰNG TỈNH KON TUM ỔN ĐỊNH, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG



Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 15

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 14


Hôm nayHôm nay : 886

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 54638

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 1231023

Trang nhất » Nội dung » Tin trong nước - quốc tế » Chính trị - Xã hội

Thủ tướng chia sẻ tầm nhìn về một Tây Nguyên mới

Thứ ba - 14/03/2017 10:24


Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tối 10/3, tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển” đã khai mạc.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương và các tỉnh Tây Nguyên tới dự.
“Như tên gọi của chủ đề Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2017: Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển, hạt cà phê nơi đây không chỉ là một sản phẩm tiêu biểu của nền nông nghiệp đất đỏ basalt đã thực sự trở thành biểu tượng tuyệt vời về sự quyến rũ, nét đẹp độc đáo của vùng đất được xưng tụng là Nóc nhà Đông Dương”, Thủ tướng phát biểu tại Lễ hội.
 
Hạt cà phê là cầu nối đưa Tây Nguyên đến với thế giới
 
Thủ tướng cho rằng hạt cà phê giúp gắn kết tình yêu, tình bạn không chỉ giữa những người Việt Nam trên khắp mọi miền mà cả bạn bè quốc tế đến với Tây Nguyên. Tất cả cùng chia sẻ tách cà phê thơm nồng, thấm đượm mồ hôi, tình yêu thiên nhiên, tinh thần cần cù, vượt khó của những người con Đam San, của những cộng đồng Ê Đê, Jrai, M’nông, Ba Na, Kinh… Hạt cà phê trở thành cầu nối đưa Tây Nguyên đến với thế giới và kéo cả thế giới về đây trong không khí lễ hội cồng chiêng, trong không gian đậm chất sử thi, giàu sắc thái huyền thoại và di sản của đại ngàn Tây Nguyên.
 
Nói đến cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Tây Nguyên là nói đến những gì tinh túy, đã thực sự hòa nguyện vào bản sắc đại ngàn cùng với những truyền thừa đặc sắc, vô giá, làm tôn vinh vẻ đẹp đa dạng về văn hóa, lịch sử, qua những câu chuyện bi tráng, đậm chất sử thi về khí phách quả cảm, tinh thần cộng đồng và tinh thần thượng võ của những người con Ê Đê, Jrai, M’nông, Ba Na…

 
Các đại biểu tham dự Lễ hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Từ bao đời nay, tiếng cồng, tiếng chiêng trở thành tiếng nói của tâm hồn, của khát vọng, diễn tả niềm vui, nỗi buồn và những ước mơ của người Tây Nguyên. Lễ hội Cồng chiêng đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại được UNESCO công nhận, là di sản quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam.
 
“Cũng chính trong không gian di sản văn hóa cồng chiêng này, hương vị độc đáo của ly cà phê miền đất đỏ, đã góp thêm chất men say quyến rũ không thể thiếu trong khung cảnh thơ mộng, lãng mạn, hùng vĩ của núi rừng cao nguyên”, Thủ tướng chia sẻ và cho rằng nói đến cà phê Tây Nguyên, không thể không liên tưởng đến một tầm nhìn vươn lên giàu có của một trong những cao nguyên được thiên nhiên ưu đãi bậc nhất châu Á, nơi cây cà phê đã trở thành sinh kế quan trọng.
 

Thủ tướng chia sẻ tầm nhìn về một Tây Nguyên mới. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
Hồi sinh vẻ đẹp đại ngàn
 
Trong không khí lễ hội, Thủ tướng đã chia sẻ tầm nhìn về một Tây Nguyên mới. Đó là chúng ta hãy cùng nhau đưa Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu, theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời Tây Nguyên phải là biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam, mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản của châu Á thế kỷ 21.
 
Để hiện thực hóa điều đó, Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững cho việc hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất đậm chất sử thi; phải luôn ý thức giữ gìn không gian sống, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, là truyền thống, niềm tự hào thiêng liêng của các cộng đồng Ê Đê, Jrai, M’nông, Ba Na, Kinh…trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
 
Để góp phần hiện thực hóa điều đó, chúng ta phải làm cho hai chữ "Tây Nguyên" luôn hiện hữu trong trái tim, khối óc của những người yêu cà phê, sành điệu về cà phê trên khắp thế giới. Ngành du lịch, ngành nông nghiệp và cây cà phê cần tương tác về chiến lược và ý chí.
 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
Thủ tướng nêu rõ hãy cùng nhau biến nơi đây trở thành một trong những địa danh thưởng lãm cà phê độc đáo bậc nhất thế giới, nơi chúng ta có thể nhâm nhi tách cà phê trong không gian di sản truyền khẩu, trong tiếng cồng chiêng giữa đại ngàn và đặc biệt là trong tình thân ái, lòng mến khách của các cộng đồng địa phương. Hãy để chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển” không chỉ dừng lại là khẩu hiệu của Lễ hội Cà phê Buôn Mê Thuột 2017. Tinh thần này, lời văn này cần trở thành kim chỉ nam cho chiến lược hành động, là công thức để thương hiệu cà phê Tây Nguyên lan tỏa khắp thế giới và đạt được vị thế tương xứng.
 
“Một điều nữa hết sức quan trọng là chúng ta phải bảo đảm được đời sống, sinh kế bền vững cho người nông dân trồng cà phê nói riêng và nông nghiệp nói chung, đặc biệt là với bà con dân tộc thiểu số. Họ phải được hưởng lợi một cách tương xứng cho công sức lao động và thành quả phát triển của Tây Nguyên”, Thủ tướng nêu rõ.
 
Đức Tuân
(Nguồn: Báo Chính phủ điện tử)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
HỒ CHÍ MINH - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP




Liên kết website