Trong tuần (từ ngày 18-11-2019 đến ngày 22-11-2019), tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV các ĐBQH tỉnh đã tham gia hơn 8 buổi làm việc ở Hội trường để nghe 6 tờ trình và báo cáo thẩm tra, biểu quyết thông qua 3 nghị quyết.
Ảnh: Phiên họp tại Hội trường Quốc hội sáng ngày 19-11-2019.
Các nghị quyết được Quốc hội thông qua gồm: (1) Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Theo Nghị quyết, mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2025 là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hàng năm giảm trên 3%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% dân số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; 98% dân số DTTS tham gia bảo hiểm y tế; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ... Nghị quyết định hướng mục tiêu đến năm 2030 thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân... (2) Nghị quyết về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với ông Nguyễn Khắc Định. (3) Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Quốc hội cũng đã thông qua 5 luật, gồm: (1) Bộ luật Lao động (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2021, quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035; (2) Luật Thư viện, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2020, theo đó Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10, ngày 28-12-2000 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; (3) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2020; (4) Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2020; (5) Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2020.
Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia và 6 dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Ảnh: Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận.
Các ĐBQH tỉnh cùng với ĐBQH của 3 tỉnh Yên Bái, Sóc Trăng và Quảng Ngãi tiến hành gần 2 buổi thảo luận tại Tổ về 4 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Tại các buổi thảo luận, các ĐBQH tỉnh đã tham gia phát biểu 3 lượt với 13 ý kiến.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành thảo luận ở Đoàn về miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tổng hợp