Tham dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Y Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. Năm học 2022-2023, trong điều kiện còn nhiều khó khăn thách thức, khi vừa phải tiếp tục cùng với cả nước khắc phục, nổ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương; sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, sinh viên, học viên, toàn ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cả nước có 37.619 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập với gần 606.210 phòng học các cấp; trong đó, số phòng học kiên cố 517.920 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 85%; công tác tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Kết quả tại các Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2023, các đội tuyển đều đạt 11 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 12 Huy chương đồng và 05 Bằng khen…
Tham gia ý kiến thảo luận tại Hội nghị, đồng chí Y Ngọc, UVTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định năm học vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Kon Tum đã thực hiện tốt kế hoạch năm học; mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh từng bước được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và tiết kiệm ngân sách đầu tư, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được bồi dưỡng, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được bổ sung, cải thiện; chất lượng học tập của học sinh chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2022-2023 đạt
98,74% (tăng 1,05% so với năm 2022) và có điểm trung bình các môn thi tăng
06 bậc so với năm học 2021-2022.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ khó khăn của ngành Giáo dục và Đào tạo, ghi nhận và đánh giá cao kết quả triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của toàn ngành. Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục tập trung sửa đổi thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới GD&ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; quy hoạch mạng lưới; phương án thi tốt nghiệp THPT; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đãi ngộ đội ngũ giáo viên phù hợp hoàn cảnh đất nước; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm, bồi dường giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường thông tin truyền thông về chủ trương, đường lối đổi mới giáo dục, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân; có giải pháp hiệu quả phát triển nhanh nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước...