Sáng ngày 29-8-2023, đồng chí Nguyễn Văn Hoà, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã làm việc với Đảng ủy xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi về tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ đầu năm 2023 đến nay.
Quang cảnh buổi làm việc Tham gia buổi làm việc có đồng chí Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ cấp ủy phụ trách huyện Ngọc Hồi; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Tỉnh ủy; lãnh đạo huyện Ngọc Hồi cùng các phòng ban liên quan của huyện và xã Pờ Y.
Xã Pờ Y có tổng diện tích tự nhiên trên 9.481ha gồm 08 thôn, 8.850 khẩu/2679 hộ
(dân tộc thiểu số 5.421 khẩu/1.642 hộ). Trên địa bàn xã có dân tộc thiểu số rất ít người Brâu sinh sống tại thôn Đăk Mế với 173 hộ/571 khẩu. Đảng bộ xã có 15 chi bộ trực thuộc với 207 đảng viên. Toàn xã còn 118 hộ nghèo
(98 hộ nghèo dân tộc thiểu số) và 114 hộ cận nghèo
(87 hộ dân tộc thiểu số). Xã có 02 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu
(thôn Ngọc Hải và thôn Bắc Phong). Năm 2023, phấn đấu xây dựng thôn Măng Tôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Để phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng đảng và hệ thống chính trị; Đảng ủy, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của xã, nhất là tài nguyên rừng, đất đai gắn với giảm nghèo bền vững. Trong đó, đã vận động người dân nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao như bơ, mít, sầu riêng, mắc ca, heo sọc dưa... gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao thu nhập; hỗ trợ kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Toàn xã có 1.096ha cây hàng năm; 2.823ha cây lâu năm. Tổng đàn gia súc, gia cầm ước đạt 8.748 con. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 114 ha (diện tích ao hồ nhỏ 90ha), sản lượng ước đạt 204 tấn. Đã phát triển diện tích cây mắc ca lên 131 ha
(trồng mới năm 2023 đạt 32ha), cây sầu riêng 140 ha
(đang kinh doanh khoảng 60ha); cây bơ lên khoảng 60 ha
(đang kinh doanh 25ha). Vận động 15 hộ sản xuất theo mô hình sản xuất sạch với tổng diện tích 77ha
(trong đó cây sầu riêng có 43ha/6 hộ; cà phê 34ha/9 hộ). Tập trung triển khai trồng rừng đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng thôn (làng) trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vận động 35 hộ dân trồng rừng sản xuất năm 2023 được gần 102ha; 15 hộ trồng 7,5ha dổi. Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy. Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt, hiệu quả hoạt động của chi bộ. Thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên. Thực hiện hiệu quả việc phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ để hướng dẫn người dân phát triển kinh tế.
Thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững", đã hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế như Tổ hợp tác trồng cây ăn trái, mô hình trồng nhãn lồng Hưng Yên tại thôn Đăk Răng; mô hình trồng chuối Tiêu hồng, chăm sóc cà phê, nuôi cá tại thôn Đăk Mế; mô hình nuôi heo sọc dưa tại thôn Tà Ka; mô hình chăm sóc cà phê tại các thôn: Đăk Răng, Bắc Phong, Iệc.
Phó Bí thư Tỉnh ủy kết luận buổi làm việc Sau khi nghe lãnh đạo sở, ngành; huyện Ngọc Hồi và xã Pờ Y trao đổi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hoà ghi nhận, biểu dương những kết quả Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân xã Pờ Y đạt được trong thời gian qua.
Đồng chí đề nghị Đảng ủy xã Pờ Y tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Chú trọng công tác nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, nói đi đôi với làm; vận động bà con chăm chỉ lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Đối với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, đồng chí lưu ý hình thức, nội dung tuyên truyền phải gần gũi, dễ hiểu, ngắn gọn để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện; chú trọng vận động bà con cải tạo vườn tạp để trồng mắc ca, sachi, cây ăn quả và các loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao hơn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao; hướng dẫn bà con tính toán chi tiêu hợp lý.
Địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn, giúp người dân tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để tăng chất lượng sản phẩm hướng tới nhu cầu tiêu thụ của thị trường hiện nay và tăng giá thành sản phẩm. Phấn đấu hằng năm, mỗi hộ dân có ít nhất 2 con trâu, bò bán ra thị trường.
Với lợi thế về phát triển du lịch như có Cột mốc 3 biên, Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y… Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị địa phương chủ động trong việc đầu tư phát triển du lịch, kết nối tua du lịch với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh; kêu gọi, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có dự án phát triển du lịch đầu tư vào địa bàn; phối hợp với Đồn Biên phòng, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và các lâm trường phủ xanh diện tích rừng thông tại khu vực Cột mốc 3 biên tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch.