20:01 ICT Thứ bảy, 27/07/2024
TIẾP TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT CÁC DÂN TỘC; KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ MỌI NGUỒN LỰC; XÂY DỰNG TỈNH KON TUM ỔN ĐỊNH, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG



Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 25

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 24


Hôm nayHôm nay : 2242

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 88830

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 1063596

Trang nhất » Nội dung » Hoạt động cấp uỷ Đảng

Xây dựng giai cấp nông dân tỉnh Kon Tum không ngừng lớn mạnh, là lực lượng tiên phong, đi đầu trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đưa tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển nhanh và bền vững

Thứ năm - 21/09/2023 14:19
BBT: Sáng ngày 21-9-2023, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 – 2028 đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Ngọc Linh. Tham dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Kon Tum qua các thời kỳ, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng 271 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 65.000 hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy,
phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Tại Đại hội, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã có bài phát biểu chỉ đạo, gửi gắm những tình cảm, sự kỳ vọng của tỉnh đối với tổ chức hội nông dân các cấp và cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh. Trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Kon Tum xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Kính thưa Chủ tịch Đại hội,
Kính thưa đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam,
Thưa các đồng chí đại biểu,
Thưa toàn thể Đại hội.

Hôm nay, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028, sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của giai cấp nông dân tỉnh nhà, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và gửi đến các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu, đại diện cho hơn 65.000 hội viên nông dân trong toàn tỉnh lời chúc mạnh khoẻ, hạnh phúc; chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Kính thưa các đồng chí đại biểu,
Thưa toàn thể Đại hội,

Nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội ta; sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm vai trò của nông dân, trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam vào tháng 4-1946, Người đã chỉ rõ: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh". Thực hiện lời dạy của Bác, cùng với nông dân cả nước, các thế hệ nông dân của tỉnh Kon Tum đã trải qua nhiều khó khăn để cải tạo mảnh đất Kon Tum với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình chia cắt, đồi núi hiểm trở, lao động sản xuất chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy để trở thành những vùng nguyên liệu chuyên canh cây công nghiệp như: Cao su, cà phê…, từng bước hình thành các vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với trồng cây ăn quả, cây dược liệu, đưa nông nghiệp tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kính thưa các đồng chí đại biểu,
Thưa toàn thể Đại hội,

Trong nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, cố gắng của mình, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động và thực hiện tốt vai trò là "trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới"; đề ra nhiều chủ trương, giải pháp mới hiệu quả, thiết thực, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Hội Nông dân tỉnh đã đề ra, trong đó nổi bật là:

- Công tác phát triển hội viên được chú trọng và đã phát triển được 13.493 hội viên mới, đạt 130% kế hoạch, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên hơn 65.000 hội viên (trong đó, hội viên người dân tộc thiểu số hơn 44.400 người, chiếm 68,3%). Vận động thành lập 42 chi hội nông dân nghề nghiệp với 636 hội viên tham gia và 187 Tổ hội nông dân nghề nghiệp với 2.515 hội viên tham gia; phối hợp hướng dẫn thành lập được 30 Hợp tác xã với 530 thành viên tham gia, 50 Tổ hợp tác với 558 thành viên.

- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” có sức lan tỏa lớn, góp phần khích lệ hội viên nông dân quyết tâm đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng; đã thu hút 12.870 hộ nông dân đăng ký thi đua đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi (đến nay số hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 10.419/12.870 hộ, tăng 74,05% so với năm 2018). Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn rất tích cực giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về kinh nghiệm sản xuất, việc làm và ủng hộ được 2.093 triệu đồng, 41.426 ngày công lao động, hỗ trợ cây, con giống trị giá 2.568 triệu đồng, giúp đỡ cho 743 hộ hội viên thoát nghèo bền vững.
- Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các cấp Hội đã vận động 135.610 ngày công, hiến 123.449 m2 đất, làm mới và sửa chữa 1.017 km đường giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất, 991,7 km kênh mương nội đồng, 169 cầu, cống các loại và trồng hoa hai bên lề đường, đảm nhận con đường Hội Nông dân tự quản "xanh - sạch - đẹp"...
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà các cấp hội và hội viên nông dân trong toàn tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.

Kính thưa quý vị đại biểu,
Thưa toàn thể Đại hội,

Bên cạnh những thành tích đạt được và ngoài những khuyết điểm, hạn chế được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khoá VIII chỉ ra trong Báo cáo, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh còn một số khuyết điểm, hạn chế như sau: Nội dung, phương thức hoạt động của Hội chậm được đổi mới; công tác tham gia xây dựng chính sách, giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội còn hạn chế; một bộ phận cán bộ Hội thiếu sâu sát, không kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân; việc triển khai hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh có nơi chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là hộ nông dân người dân tộc thiểu số.

Thưa toàn thể Đại hội,

Kon Tum là tỉnh nông nghiệp, nói như vậy để khẳng định vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Hiện nay, đất nước ta nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng đang bước vào giai đoạn mới với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… đặt ra những thách thức, tác động rất lớn đối với nền nông nghiệp và đời sống của nông dân tỉnh nhà. Để tiếp tục giữ vững, phát huy vai trò, thành quả đã đạt được, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khẳng định vị thế của người nông dân, nâng cao chất lượng công tác hội và phong trào nông dân, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Tôi đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân và hội nông dân các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hội nông dân trong tình hình mới, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo của các cấp hội. Thường xuyên định hướng chương trình, kế hoạch công tác, khuyến khích và tạo điều kiện để các cấp hội chủ động phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn hội nông dân các cấp, trong đó chú ý lựa chọn, bồi dưỡng những hội viên, nông dân có năng lực, tâm huyết với công tác hội để giới thiệu bầu giữ các vị trí chủ chốt của các cấp hội. Quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội nông dân, bảo đảm vững về tư tưởng chính trị, có kỹ năng trong công tác vận động quần chúng, hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của từng dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các phong trào nông dân; đủ khả năng tham mưu, đề xuất, giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

Thứ hai, Hội nông dân các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng Hội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động; nâng cao hơn nữa vai trò đại diện, phát huy quyền làm chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, bảo đảm tổ chức hội nông dân các cấp thực sự là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà, là cầu nối giữa các cấp ủy đảng và chính quyền với nông dân địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Hội trong triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, gắn với vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, lựa chọn một số cây, con phù hợp để phát triển nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn (đặc biệt lưu ý tuyên truyền người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, nhất là thuốc diệt cỏ); tham gia các mô hình kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã kiểu mới; tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để hội viên nông dân trở thành chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển du lịch cộng đồng bảo đảm hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người nông dân.
Tổ chức hội nông dân các cấp phải trở thành cầu nối, tạo dựng niềm tin giữa những người nông dân với doanh nghiệp, để xây dựng một mối liên kết bền vững trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa. Các cấp hội cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, nhất là các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, cán bộ hội phải thật sự gần gũi, chân tình, biết lắng nghe, biết chia sẻ, truyền cảm hứng để từ đó thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thành công, thiết thực các phong trào và cuộc vận động trên địa bàn, nhất là Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" và từng bước làm giàu.

Thứ ba, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, phải huy động, lồng ghép, bố trí, sử dụng thật sự có hiệu quả nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn lực xã hội hóa phục vụ xây dựng nông thôn mới. Tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân. Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, cung cấp kịp thời tri thức mới về khoa học - công nghệ và những cơ hội, thách thức của quá trình toàn cầu hóa, của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của biến đổi khí hậu… giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu hợp pháp. Tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống tinh thần; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ tư, tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết triệt để tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của người nông dân; các vấn đề về nguồn gốc đất đai giữa người dân với các nông, lâm trường; quan tâm thực hiện tốt công tác tái định canh, tái định cư đối với các hộ nông dân bị thu hồi đất bởi các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII "về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", Chương trình số 40-CTr/TU, ngày 07-10-2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trong đó, chú trọng việc bố trí tái định canh, định cư đối với người đồng bào dân tộc thiểu số trước khi thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh; khi xây dựng các dự án phát triển kinh tế-xã hội có thu hồi đất của người dân tộc thiểu số thì phải gắn với xây dựng Đề án tái định canh, tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số (Đề án tái định canh, tái định cư phải được phê duyệt cùng lúc với Dự án phát triển kinh tế-xã hội). Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hội Nông dân các cấp phải đảm bảo tham gia phản biện, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện Đề án tái định canh, tái định cư, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc",  tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe, không tin, không làm theo sự kích động, xúi giục, lôi kéo của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu, bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra các vấn đề phức tạp ở địa bàn nông thôn.

Kính thưa Đại hội,

Đại hội chúng ta còn có nhiệm vụ rất quan trọng đó là: Bầu Ban Chấp hành khóa mới để lãnh đạo công tác hội và phong trào nông dân tỉnh nhà trong nhiệm kỳ 2023-2028; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII. Tôi tin tưởng và đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, tập trung trí tuệ, sáng suốt lựa chọn những đại biểu bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đại diện cho phẩm chất, trí tuệ của nông dân tỉnh Kon Tum để bầu vào Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa IX và đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII.

Một lần nữa thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xin chúc các đồng chí đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc; chúc Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thùy Linh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
HỒ CHÍ MINH - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP



Liên kết website