Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Thứ năm - 19/09/2019 14:31
Thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ra sức, tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã ban hành và lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 01-6-2016 “về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2025” và đã đạt được những kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 01-NQ/TU đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, cụ thể hóa thành các chương trình thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế tại địa phương, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2025 trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua[1]; kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 các cấp[2], cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương về xây dựng nông thôn mới. Các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội đã tích cực tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức phù hợp; phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; "Thôn làng phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số trong phong trào xây dựng nông thôn mới"; "Mô hình tổ an ninh nhân dân"... Hằng năm, các sở, ban ngành được phân công phụ trách từng tiêu chí đã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và giúp đỡ các địa phương trong triển khai thực hiện; các thành viên Ban Chỉ đạo phối hợp với các địa phương theo dõi, hướng dẫn và giúp đỡ các xã điểm của tỉnh phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đến nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có 18/86 xã đạt 19/19 tiêu chí; 08 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 41 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; không còn xã đạt dưới 05 tiêu chí, giảm 10 xã so với năm 2015. Bình quân đạt 11,62 tiêu chí/xã, tăng 2,92 tiêu chí so với năm 2015. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, như: Các xã đã đạt chuẩn trong giai đoạn 2011-2015 (13 xã) chưa chủ động trong chỉ đạo, xây dựng kế hoạch để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, việc phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo có lúc chưa được thường xuyên và đầy đủ; đối với cấp huyện chưa có sự tập trung chỉ đạo đúng mức, chưa chủ động sử dụng kinh phí của địa phương để thực hiện Chương trình cũng như có các giải pháp về huy động nguồn lực mà chủ yếu vẫn chờ ngân sách cấp trên phân bổ mới thực hiện, chưa chú trọng và chủ động áp dụng cơ chế đặc thù xây dựng nông thôn mới để thực hiện xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với từng địa bàn để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn còn lúng túng, do đầu ra và giá cả của sản phẩm nông nghiệp không ổn định; hình thức liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với người dân chưa được nhân rộng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế dẫn đến năng suất, sản lượng thấp. Vấn đề xử lý nước thải và chất thải rắn trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, hầu như các xã chưa tính toán đến việc xử lý nước thải trong khu dân cư. Nhằm phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: - Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu về thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ hằng năm và cả giai đoạn đối với lĩnh vực được giao. - Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân; qua đó nâng cao tinh thần tự lực, tích cực, chủ động tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa bàn. - Tăng cường học tập kinh nhiệm các địa phương, nhất là những địa phương có điều kiện tương đồng để nghiên cứu, vận dụng những cách làm hay, hiệu quả của với vào việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. - Gắn việc xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn với việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19-8-2016 của Tỉnh ủy "về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới", trong đó tập trung rà soát, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn cho phù hợp. - Tập trung thực hiện các giải pháp phấn đấu hoàn thành sớm các mục tiêu đề ra, cụ thể: + Đối với nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội (từ tiêu chí số 2 đến tiêu chí số 9): Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hỗ trợ đảm bảo theo mục tiêu nông thôn mới, trong đó quy định cụ thể về cơ chế lồng ghép các Chương trình, dự án đang đầu tư trên địa bàn; tăng cường giải pháp huy động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư. + Đối với nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất (từ tiêu chí số 10 đến tiêu chí số 13): Tập trung chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trong đó thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng tiêu nông thôn mới. Đẩy mạnh các Chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội[3]. + Nhóm tiêu chí văn hóa-xã hội-môi trường (từ tiêu chí số 14 đến tiêu chí số 17): Thực hiện có hiện quả công tác tuyên truyền, vận động, đưa phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới vào các hương ước, quy ước của các thôn, làng. + Nhóm tiêu chí hệ thống chính trị (tiêu chí số 18 và số 19): Tổ chức thực hiện tốt công tác cán bộ, có giải pháp luân chuyển và thay thế cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn; xây dựng lực lượng dân quân "vững mạnh, rộng khắp"; xây dựng xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên. - Tiếp tục huy động các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng phương án hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại xã biên giới, an toàn khu, đặc biệt khó khăn; xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu...
[1] Nghị quyết 60/2016/NQ-HĐND, ngày 19-8-2016 của HĐND tỉnh “về Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2025”; Quyết định 36/2016/QĐ-UBND, ngày 23-9-2016 của UBND tỉnh “về phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025”.
[2] Quyết định số 591/QĐ-UBND, ngày 09-11-2016 của UBND tỉnh “về thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020”; Quyết định số 195/QĐ-BCĐ, ngày 23-12-2016 của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh “về ban hành quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020”.
[3] Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm...