Đang truy cập : 17
Hôm nay : 763
Tháng hiện tại : 71833
Tổng lượt truy cập : 1248218
|
Dự án Xe ô tô thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” được Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) triển khai từ năm 2016. Đến năm 2019, tỉnh Kon Tum được trao tặng “Xe thư viện lưu động đa phương tiện”. So với mô hình thư viện truyền thống, những chuyến “Xe thư viện lưu động đa phương tiện” có cách thức phục vụ độc đáo, linh hoạt và nhiều hoạt động sáng tạo đã góp phần khơi dậy niềm yêu đọc sách của các em học sinh, đem lại hiệu quả thiết thực, gia tăng lượng bạn đọc đến với các loại hình thư viện truyền thống.
Từ năm 2019 đến nay, Bảo tàng- Thư viện tỉnh đã tổ chức trên 165 chuyến “Xe thư viện lưu động” đến các trường học tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; qua đó thu hút gần 67.500 lượt bạn đọc, học sinh của các trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới trong tỉnh tham gia đọc sách, đạt trên 73.000 lượt tài liệu phục vụ.
Bà Trần Thị Kim Phương- Phó Giám đốc Bảo tàng- Thư viện tỉnh cho biết: “Mỗi chuyến “Xe thư viện lưu động” về các xã vùng sâu, vùng xa phục vụ nhu cầu đọc sách của các em thường được trang bị khoảng 2.500 cuốn sách và được thường xuyên thay đổi, sắp xếp các đầu sách, các thiết bị công nghệ phù hợp với từng chương trình, địa điểm khác nhau. Ngoài ra, các tài liệu bổ trợ, hoạt động tại mỗi chuyến xe đều được lên kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng, tiêu biểu có các hoạt động như: Trưng bày sách và tổ chức đọc sách tại chỗ; tổ chức giao lưu câu hỏi, đố vui về sách; tổ chức vẽ tranh theo chủ đề; tổ chức viết cảm nhận về sách; tổ chức trò chơi trên máy tính; tổ chức các trò chơi vận động như chiếc ghế âm nhạc, thi thổi bóng, đưa bóng về đích, nhảy bao bố. Qua đó giúp các em học sinh có những trải nghiệm đọc sách, vui chơi đầy thú vị và bổ ích; mỗi chuyến xe “Thư viện lưu động” là một hành trình ý nghĩa, thật sự mang tri thức bổ ích và niềm vui đến với các em học sinh”.
Bởi vậy, đến bất cứ đâu, xe “Thư viện lưu động” đều nhận được sự ủng hộ, chào đón nhiệt tình của mọi người. Hình ảnh các em say sưa, miệt mài bên những trang sách mới cùng các hoạt động ý nghĩa chính là niềm vui, động lực cho những cán bộ làm công tác thư viện tại các đơn vị, địa phương.
|
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy- cán bộ thư viện của Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (thành phố Kon Tum) cho biết: Bên cạnh mô hình thư viện truyền thống tại trường, chúng tôi thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động, phong trào, cuộc thi nhằm khơi dậy đam mê đọc sách cho các em học sinh. Trong đó, với sự hỗ trợ luân chuyển sách cùng với các hoạt động ý nghĩa của những chuyến xe “Thư viện lưu động” đã giúp những giờ đọc sách của các em học sinh thêm ý nghĩa. Học sinh của nhà trường được đọc và tra cứu nhiều cuốn sách hay, bổ ích và biết cách khai thác tài liệu, đọc sách hiệu quả hơn.
Em Phạm Nguyễn Nguyên Sa, học sinh lớp 4D, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng bộc bạch: Em rất yêu sách và từng tham gia nhiều cuộc thi về sách do nhà trường và địa phương tổ chức. Em cũng thường xuyên đến thư viện để tìm đọc những cuốn sách hay. Đặc biệt, em rất hào hứng với những chuyến xe “Thư viện lưu động”, vì tại đây, em và các bạn học sinh được đọc nhiều sách hay và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp chúng em có thêm kỹ năng đọc sách hiệu quả.
Được biết, cùng với những chuyến xe “Thư viện lưu động”, Bảo tàng- Thư viện tỉnh hiện đang duy trì rất nhiều hoạt động, mô hình nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tiêu biểu có thể kể đến các hoạt động luân chuyển sách về vùng biên giới tại các đồn biên phòng để đáp ứng nhu cầu về đọc sách, báo, học tập, giải trí, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Hoặc những “Giờ đọc hạnh phúc” ý nghĩa được tổ chức tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh từ tháng 11/2021 đến nay đã tạo sự lan tỏa tích cực, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em tại trung tâm và cải thiện đời sống văn hóa giáo dục cho các em.
Bà Trần Thị Kim Phương khẳng định: Trong thời gian tới, Bảo tàng- Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương để tổ chức nhiều chuyến “Xe thư viện lưu động đa phương tiện” ý nghĩa để khơi dậy niềm vui và đam mê đọc sách cho mọi người và các em học sinh. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức về việc đọc sách và ý nghĩa của sách trong đời sống; làm cho mọi người quan tâm hơn nữa đến nhu cầu đọc của trẻ em.
Tác giả bài viết: Hoàng Thanh
Nguồn tin: www.baokontum.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn