Đang truy cập : 24
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 23
Hôm nay : 663
Tháng hiện tại : 71733
Tổng lượt truy cập : 1248118
Là một trong những người tiên phong trồng các loại cây ăn trái có giá trị cao tại địa phương, ông Trần Văn Sáu ở thôn 3 (xã Tân Lập) trước đây trồng chủ yếu là cà phê, sầu riêng và một số loại cây ngắn ngày khác. Đến năm 2011, nhận thấy nhu cầu thị trường và được sự hỗ trợ, vận động của chính quyền địa phương, ông Sáu mạnh dạn phá bỏ nhiều diện tích cà phê kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái, trong đó chủ lực là cây sầu riêng, mít ruột đỏ. Đến nay mô hình trồng cây ăn trái của gia đình ông có diện tích khoảng 10ha mang lại hiệu quả kinh tế, cho thu nhập cao, cộng với việc bán giống các loại cây công nghiệp dài ngày khác cho lợi nhuận khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. Với thành công đó, ông Sáu được nhiều người tìm đến học hỏi quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng.
|
Tâm sự với chúng tôi, ông Sáu cho biết: “Điều quan trọng là phải biết chủ động và nắm bắt cơ hội, sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng về mọi mặt, bản thân phải mạnh dạn triển khai làm, với quan điểm sẵn sàng chấp nhận rủi ro (nếu có) thì mới có thể đem lại thành công. Bên cạnh đó, kiên trì tìm hiểu, học hỏi các kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất là điều bản thân tôi đặc biệt coi trọng. Vì vậy, mỗi khi địa phương tổ chức những lớp tập huấn hay tuyên truyền kiến thức về nông nghiệp, tôi luôn sắp xếp thời gian đến để học tập, nâng cao kiến thức nhằm hỗ trợ cho công việc của mình”.
Ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn 4 (xã Tân Lập) là một trong những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Với tinh thần chịu khó, tự mày mò học tập, hiện tại mô hình sầu riêng gần 4ha của ông Thanh không những phát triển tốt, mà luôn trong tình trạng “sạch” bệnh dưới bàn tay chăm sóc của ông.
Ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng học hỏi kiến thức từ nhiều người, qua sách vở, trên mạng và tự đúc kết kinh nghiệm, áp dụng vào quá trình sản xuất, vì vậy diện tích cây trồng của tôi đa số đều phát triển tốt và không có sâu bệnh. Gần 4ha sầu riêng của tôi hiện tại được chuyển đổi từ diện tích trồng cà phê và một số loại cây ngắn ngày kém hiệu quả khác, đến giờ mô hình đã thành công ngoài mong đợi với khoảng 800 cây sầu riêng đang trong giai đoạn phát triển. Trong đó, dự kiến trong năm 2024 sẽ thu hoạch đợt 3 với số lượng khoảng 40 tấn/320 cây. Tôi sẽ “lấy ngắn nuôi dài” và tiếp tục mở rộng sản xuất từ nguồn lợi nhuận thu được”.
|
Ông Trương Duy Đông- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: “Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình sản xuất, chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã Tân Lập đã phát huy hiệu quả, nhất là cây ăn trái. Hiện nay phần lớn người dân trên địa bàn đã áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, giúp giảm chi phí và tăng năng suất. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho bà con nông dân để góp phần tăng năng suất, hiệu quả canh tác. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tiến hành tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm góp phần tạo đầu ra ổn định và tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương”.
Theo ông Đinh Xuân Thi- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy, huyện thường xuyên chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung quy hoạch vùng, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, dựa trên nhu cầu của thị trường, phát huy lợi thế của địa phương gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, từng bước quy hoạch, đầu tư hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai thực hiện những “mô hình lớn”, tập trung vào một số cây trồng chủ lực như cây ăn quả, mắc ca, dược liệu và một số cây trồng dài ngày khác. Qua đó, tiến đến hình thành những khu sản xuất tập trung, mở rộng diện tích, liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ.
Đến nay, toàn huyện Kon Rẫy có khoảng 6.615ha diện tích cây hàng năm, 6.279ha cây lâu năm; trong đó, diện tích cây lâu năm có sự tăng trưởng đáng kể nhờ chuyển đổi qua nhiều cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao.
Thống kê trong 9 tháng đầu năm 2023, huyện Kon Rẫy có khoảng 1.223ha cây ăn quả, 445,9ha mắc ca, 889ha cà phê, 62,46ha tiêu, 3.659ha cao su và nhiều loại cây trồng khác (bời lời, keo, bạch đàn...) với diện tích khoảng 3.239ha.
Thời gian tới, huyện Kon Rẫy tiếp tục đẩy mạnh rà soát, thống kê diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả để có lộ trình quy hoạch, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ đưa công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị; khuyến khích liên kết trong sản xuất và tiêu thụ qua việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển bền vững.
Tác giả bài viết: Hoàng Thanh
Nguồn tin: www.baokontum.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn