Đang truy cập : 14
Hôm nay : 1164
Tháng hiện tại : 54916
Tổng lượt truy cập : 1231301
Trong những năm qua, với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh qua các chủ trương, chính sách, các chương trình, các dự án…, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng có những đổi thay. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã kéo gần khoảng cách giữa vùng khó khăn, vùng DTTS với vùng thuận lợi. Nhiều giống cây, con mới cho năng suất cao được hỗ trợ đưa vào sản xuất, đau ốm đều được bác sĩ ở các trạm y tế chăm sóc, con trẻ đi học ngay điểm trường làng, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm dần qua từng năm…
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung toàn tỉnh thì đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn những khó khăn. Theo thống kê, đến cuối năm 2020 (thời điểm chưa triển khai thực hiện Cuộc vận động), trong tổng số 14.601 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh (chiếm tỷ lệ 10,29% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh) thì có tới 13.688 hộ nghèo DTTS (chiếm tỷ lệ 18,75% so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh).
|
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số hộ người DTTS nghèo cao, nhưng cốt lõi vẫn xuất phát từ trình độ dân trí thấp, thiếu kiến thức, nếp nghĩ lạc hậu, tự ti, ngại tiếp cận những cái mới, thậm chí là tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Dù được các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động và quan tâm hỗ trợ nhưng vì lối nghĩ cũ mãi đeo bám nên những cách làm, thói quen cũ, lạc hậu như: sinh nhiều con, lười biếng lao động, sa đà vào uống rượu, tổ chức ma chay, cúng tế, cưới hỏi dài ngày... vẫn thấp thoáng đâu đó ở các vùng đồng bào DTTS.
Không ít hộ đồng bào DTTS khi được vận động chuyển sang trồng những giống cây mới cho năng suất cao đã ngại ngần từ chối với lý do không quen, vì xưa nay trong làng, trong xã chưa có ai làm. Thậm chí ngay cả khi được hỗ trợ các giống cây, con mới, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nhưng vì thiếu ý thức vươn lên đã không bỏ công chăm sóc, cây trồng chẳng bón phân, gia súc thả rông kiểu được chăng hay chớ nên không phát huy hiệu quả. Hay vì nếp nghĩ lạc hậu “cái chữ chẳng làm no cái bụng” nên vẫn còn những hộ đồng bào DTTS thiếu quan tâm nhắc nhở con cái học hành, đi học thiếu chuyên cần, bỏ học giữa chừng.
Những nếp nghĩ cũ, cách làm lạc hậu, không biết tính toán làm ăn, không biết tích lũy, lại thêm tâm lý được chăng hay chớ, trông chờ, ỷ lại, khiến cuộc sống đói nghèo vì vậy mãi như một vòng luẩn quẩn với không ít hộ đồng bào DTTS.
Để giúp đồng bào DTTS vươn lên, thoát nghèo nàn, lạc hậu một cách bền vững, tỉnh ta đã chọn hướng đi bắt đầu từ gốc rễ của vấn đề - dẫu biết rằng đây phải là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị - đó là thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thay đổi về tư duy, nhận thức.
|
Bởi vậy, trong 2 năm qua, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động theo hướng “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, cùng với đó xây dựng trên 560 mô hình xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn của đồng bào DTTS. Các mô hình như đưa các giống cây, con mới vào sản xuất, chỉnh trang cải tạo vườn tạp, chăn nuôi tập trung, xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp... được xây dựng theo hướng “cầm tay chỉ việc” đã giúp đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh không chỉ tiếp cận được các kiến thức mà còn thực hành ngay trong những điều kiện cụ thể của gia đình.
Dễ học hỏi, lại nhận thấy được lợi ích cụ thể, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động. Những con số thống kê: 12.307 hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS (chiếm trên 50%) đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo; có 6.115 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo, tính đến cuối năm 2022 càng minh chứng hướng đi đúng đắn, tính hiệu quả mà Cuộc vận động mang lại.
Với 43 dân tộc sinh sống, trong đó có 7 DTTS tại chỗ và đồng bào DTTS chiếm 54% dân số, công tác giảm nghèo và tạo sự phát triển bền vững cho đồng bào DTTS luôn là mục tiêu lớn và xuyên suốt của tỉnh ta. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án lớn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh dành cho đồng bào DTTS, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cũng cần tiếp tục có những cách làm hay, những mô hình sáng tạo, hiệu quả trong triển khai Cuộc vận động để thay đổi tư duy, nhận thức, thay đổi cuộc sống đồng bào DTTS theo chiều hướng ngày càng tích cực, tiến bộ.
Tác giả bài viết: Nguyên Phúc
Nguồn tin: www.baokontum.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn