06:13 ICT Thứ tư, 16/10/2024
TIẾP TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT CÁC DÂN TỘC; KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ MỌI NGUỒN LỰC; XÂY DỰNG TỈNH KON TUM ỔN ĐỊNH, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trang nhất » Nội dung » Hoạt động cấp uỷ Đảng

Lễ đón nhận Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum

Thứ năm - 26/09/2024 06:25
Sáng ngày 25-9-2024, tại Nhà ngục Kon Tum, Tỉnh uỷ - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ đón nhận Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum.


Quang cảnh buổi Lễ
 
Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Dương Văn Trang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; U huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh; các đồng chí trong Ban Liên lạc Tù chính trị tỉnh Kon Tum, cán bộ lão thành cách mạng, thân nhân các tù chính trị tại Ngục Kon Tum; các đơn vị lực lượng vũ trang; các huyện, thành phố; đoàn viên thanh niên trên địa bàn.
 

Lãnh đạo tỉnh dâng hoa, dâng hương
 
Nhà ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị được lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên do thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1915- 1917. Tháng 6-1930, đồng chí Ngô Đức Đệ - một đảng viên bị bắt trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, là người tù chính trị đầu tiên được đưa từ nhà lao Vinh (Nghệ An) lên giam giữ tại đây. Từ tháng 12-1930 đến tháng 03-1931, số lượng tù chính trị đưa lên giam cầm tại Nhà Ngục Kon Tum lên đến gần 300 người. Cũng chính tại đây, 94 năm trước là nơi ra đời tổ chức Đảng sớm nhất ở Tây Nguyên. Vào cuối tháng 9 năm 1930, các đảng viên đã thống nhất thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Nhà lao Kon Tum - với tên gọi là “Chi Bộ Binh” - là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại vùng đất Bắc Tây Nguyên. Một trong những sự kiện lịch sử phản ánh tinh thần đấu tranh kiên cường của người tù cộng sản trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đó là cuộc đấu tranh Lưu huyết diễn ra vào ngày 12-12-1931. 
 
Sau 06 tháng khổ sai thi công đường 14 đoạn từ Đăk Pao đến Đăk Pék (huyện Đăk Glei hiện nay) (từ tháng 12-1930 đến tháng 6-1931), đã có tới 150 trong số gần 300 tù chính trị bị chết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các chiến sĩ Cộng sản trong nhà lao liên tục đấu tranh. Ở Lao Ngoài, số tù chính trị cũ và mới gặp nhau trao đổi kinh nghiệm đấu tranh, hình thành một ban lãnh đạo chung và hạ quyết tâm: "Muốn sống, không có con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh mà Đảng đề ra. Muốn bảo đảm cuộc đấu tranh thắng lợi, nhất định chúng ta phải làm cho anh em đoàn kết nhất trí, có quyết tâm cao. Phải đấu tranh kiên quyết, bền bỉ, có kế hoạch chu đáo". Với ý chí ấy, tù nhân ở Lao Ngoài kiên quyết phản đối, thà chết tại chỗ không đi làm đường nữa và đã bị cai ngục khủng bố dã man. Sáng ngày 12-12-1931, cai ngục đã xả súng vào những người tù chính trị, chỉ trong vài phút đã bắn chết 08 người, bắn bị thương 08 người trong số 40 người tham gia cuộc đấu tranh. Phản đối sự đàn áp tàn bạo trên, tù chính trị đã tổ chức cuộc đấu tranh Tuyệt thực kéo dài 05 ngày (từ ngày 12 đến ngày 16-12-1931).
 
Tuy cuộc đấu tranh bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, nhưng kết quả đạt được là rất vẻ vang, đã buộc địch phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của tù chính trị đưa ra, từ bỏ việc bóc lột sức lao động của tù chính trị làm đường 14, hủy bỏ hoàn toàn nhà Ngục Kon Tum vào năm 1934. Điều này đã chứng minh sự thừa nhận thất bại của thực dân Pháp trước tinh thần đấu tranh quyết tử của tù chính trị và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Cuộc đấu tranh Lưu huyết, với tinh thần quyết liệt, chấp nhận hy sinh của các tù nhân chính trị vì mục tiêu cao cả “Chết để sống”, “Chết một người để cứu muôn người” đã gây được tiếng vang lớn đối với dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người.
 
Để ghi nhận công lao to lớn của Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum, ngày 21-11-2022, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1884/QĐ-CTN, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
  Đc Bí thư Tỉnh ủy trao tặng Danh hiệu
“Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân”
cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt
tù đày tại Ngục Kon Tum
 
Tại buổi Lễ, đồng chí Dương Văn Trang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh thừa ủy quyền của Đảng, Nhà nước lên trao tặng Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum.
Đ/c Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu
 
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum được tổ chức nhân 94 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Kon Tum, là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do, vì sự toàn vẹn, thống nhất của Tổ quốc. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh. Với tinh thần đoàn kết một lòng của toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta tin tưởng rằng, sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng tỉnh nhà ổn định và phát triển bền vững sẽ giành được những thành tựu to lớn trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Mỹ Phượng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
HỒ CHÍ MINH - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP




Liên kết website